Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Bánh tét

 
 
 
Nguyên liệu:
 
1kg nếp ngon
250g đậu xanh
2 củ hành tím
5 trứng hột vịt muối
300g thịt heo có mỡ
1 bó rau ngót
Lá chuối
Giấy bạc
Cuộn dây nilong
Muối, tiêu, đường, hạt nêm.

Bước 1:
Đậu xanh ngâm 4 tiếng, rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu với lửa nhỏ cho đậu chín đều.

Khi đậu chín đều thì tắt bếp, thêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường vào khuấy chung với đậu cho đều. Chờ đậu nguội.
Bước 2:
Trong thời gian chờ đậu chín thì bạn cắt miếng thịt ra thành 5 dải bằng nhau, thường thì gói bánh tét người ta thường dùng mỡ, nhưng mình không thích mỡ nên mình dùng thịt, bạn nào thích ăn mỡ thì dùng mỡ nhé.

Ướp thịt với 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê hạt tiêu cùng vài củ hành tím bằm nhuyễn trong khoảng 30 phút cho thịt thấm đều. Còn nếu bạn dùng mỡ thì sau khi ướp bạn phơi nắng cho mỡ trong thì bánh nhìn sẽ ngon hơn.
Cắt mỗi lòng đỏ trứng muối ra làm bốn phần.

Bước 3:
Dùng 1 vỏ bịch nilong cứng trải ra, múc một phần đậu xanh lên trên và ép dẹp dẹp, sao cho vừa chiều dài miếng thịt. Mình chia đậu xanh làm khoảng 5 phần để làm được 5 đòn bánh tét.

  Trải miếng thịt lên trên đậu xanh.
Tiếp tục xếp trứng muối lên trên thịt.
  Quấn chặt phần đậu xanh lại.

  Lần lượt làm hết đủ 5 phần nhân đậu rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh cho đông cứng lại
Bước 4:
Rau ngót xay ra, lọc lấy nước.

Nếp ngâm qua đêm, cho ra rổ để ráo nước khoảng 10 phút rồi đổ vào một cái thau và rót lọc nước rau ngót vào chung.
  Thêm 1 thìa canh muối vào trộn đều, để 5 phút và trộn tiếp giúp màu xanh của rau ngót quyện chung với nếp. Trộn nhẹ để nếp không bị vỡ.
Chia nếp ra làm 5 phần bằng nhau rồi tiếp tục chia mỗi phần ra làm 2 phần lớn..
  ... và 1 phần nhỏ.

Bước 5:
Chuẩn bị gói bánh bạn cần có lá chuối to đã được rửa và lau sạch, giấy bạc mình dùng trong gói bánh mục đích là cho nước khi nấu bánh sẽ không lọt vào bên trong, bánh chắc, ngon và để được lâu; ngoài ra giấy bạc còn giữ nhiệt cho bánh chín nhanh. Thường bánh tét dùng dây lạt để cột bánh nhưng ở đây mình không có lạt nên dùng dây nilon.

  Lựa 1 miếng lá chuối trải ra, gân lá chuối phía ngoài.
  Lót tiếp 1 lớp giấy bạc.
  Tiếp tục trải thêm 1 lớp lá chuối lớn với các gân lá có chiều vuông góc với lớp lá chuối đầu tiên.
  Đổ 1 phần nếp lớn đã chia lên trên lá chuối.
  Dàn nếp đều ra và đặt phần nhân đã làm sẵn lên trên.
  Phủ 1 phần nếp lớn nữa trên.
  Nắm 2 bên chiếc lá gấp lại, lưu ý là phần mép  2 lá chuối phải chênh nhau.
  Gấp phần mép lá phía trên xuống.
  Gấp chặt rồi lăn nhẹ cho nếp chạy đều thân bánh.
Bước 6:
Dùng 1 dây buộc ngang ở chính giữa cuộn bánh, bạn buộc thắt nút theo dạng có thể rút dây được nhé!

  Nhẹ ngàng bẻ gập phần góc chiếc bánh dựng đứng lên, lúc này bạn đổ ½ phần nếp nhỏ đã chia vào bánh để phần đầu bánh cũng có nếp đều.
  Sau đó bẻ góc cạnh cho bánh và lật ngược đầu kia làm tương tự.
  Dùng một phần lá chuối che phần đầu bánh.
  Tiếp tục che đều phần còn lại.
  Thêm 1 chiếc lá nhỏ với kích cỡ tương tự đè lên nhưng đặt vuông góc với lớp lá đầu tiên.
  Dùng dây buộc lại rồi làm tương tự bọc lá cho đầu bánh còn lại.
  Sau khi buộc xong thì đòn bánh của bạn đã dần được định hình rồi.
Bước 7:
Tháo sợi dây chính giữa đòn bánh ra, lăn nhẹ cho nếp trong bánh chạy đều trong đòn bánh.

Dùng 1 dây dài buộc dọc theo đòn bánh và buộc chéo sợi dây ở các đầu bánh.
Cột chặt đầu bánh rồi từ sợi dây đã cột chặt phần đầu, chồng chéo sợi dây làm sao cho dây thật chặt rồi kéo sợi dây xuống làm tương tự các bước sau.
  Tay trỏ đưa lên nâng sợi dây rồi lồng qua nó vòng xuống phía dưới đòn bánh.
  Lồng sợi dây qua nút thắt và kéo mạnh xuống cho bánh được buộc chặt. (A)
  Lúc này bạn rút 1 sợi dây đã cột sơ để giữ đầu bánh ban đầu. (B)
  Kéo sợi dây xuống và làm các bước tương tự như ở (A) và (B)
Làm cho hoàn chỉnh và cột phần đầu bánh bên kia cho chặt.
  Chi tiết phần dây sau khi bạn đã buộc xong bánh.
  Lần lượt làm hết số bánh còn lại.
Bước 8:
Dùng 1 nồi lớn, lót vài lá chuối phía dưới đáy nồi, đổ nước đầy rồi đun sôi.

 
Xếp toàn bộ bánh vào, nấu với lửa vừa trong thời gian từ 3,5 - 4 tiếng, khi nấu bánh bạn nhớ canh để thêm nước vào giúp bánh chín đều. Sau khi nấu bánh hơn 1,5 tiếng bạn cần vớt bánh ra, trở ngược bánh lại cho nếp chín đều.
 
Bánh chín bạn vớt ra, treo lên nơi thoáng mát để bánh khô ráo, để được khoảng 1 tuần.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết truyền thống của chúng ta. Ở những vùng quê miền Nam có truyền thống nhà nào cũng nấu nồi bánh tét đêm giao thừa. Nhưng truyền thống đặc trưng đó thì rất khó thấy ở chốn thành thị do ai cũng bận rộn và nghĩ rằng gói bánh khó, thời gian nấu bánh phải qua đêm, rất lâu. Nhưng  thật ra gói bánh rất dễ, bạn chỉ cần tỉ mỉ một chút và thời gian nấu bánh chỉ gần 4 tiếng là chúng ta có những đòn bánh tét thật ngon rồi!
Tết năm nào cũng vậy, cứ vào sáng 30 Tết mẹ tôi thường bày ra gói bánh tét để tối canh bánh và đón giao thừa. Bao nhiêu năm, cứ tết nhà gói bánh là tôi phải ngồi lau lá chuối, và tước lạt để gói bánh. Mẹ thì gói ra chiếc bánh đơn giản xong rồi đưa cho ba, ba ngồi cột lại bằng lạt, mẹ nói tay ba mạnh, ba buộc bánh sẽ chặt hơn, những đòn bánh to cứ lần lượt xuất hiện. Tôi thì chỉ ngồi xem ba mẹ làm, có khi lại nghịch bằng nếp và đậu để thành những chiếc bánh ú méo mó. Nồi bánh mẹ nấu canh phải 12 tiếng, những chiếc bánh ú của tôi cũng được đưa vào nồi, lúc giao thừa mẹ trở bánh thì mẹ cũng vớt bánh ú của tôi ra. Giờ chắc mẹ không nghĩ ra được rằng con mẹ cũng biết gói bánh tét như mẹ rồi!
 
 
Chúc các bạn có những chiếc bánh ngon và đón một cái Tết thật vui và đầm ấm bên gia đình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét